LÀO CAI: THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP XÃ ĐẦU TIÊN TẠI XÃ GIA PHÚ (BẢO THẮNG) GIAI ĐOẠN 2023-2025
Việc xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng nhằm triển khai thành công Chuyển đổi số cho Chính quyền cấp xã, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ trong giai đoạn tới với ba trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Việc xây dựng mô hình điểm chuyển đổi số tại xã Gia Phú còn nhằm mục tiêu để đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng triển khai thực hiện chuyển đổi số cấp xã, xây dựng “xã nông thôn mới thông minh” tại các xã trên địa bàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất, các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa… Đồng thời, tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đó là những mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 28/7/2023 của huyện Bảo Thắng về thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng xã nông thôn mới thông minh tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng giai đoạn 2023 - 2025.
Gia Phú là xã vùng I của huyện Bảo Thắng. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 45,19 km2; có 14 thôn, 2.577 hộ và 9.478 khẩu, với 12 dân tộc cùng sinh sống. Xã Gia Phú có vị trí địa lý thuận tiện, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 25 km về phía Tây Nam; có một số tuyến đường chính như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 4E, đường tỉnh lộ 152 và đường liên xã nối các khu vực lân cận. Xã được công nhận xã đạt nông thôn mới từ năm 2020, dự kiến đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Trên địa bàn xã có 06 hợp tác xã, 126 hộ kinh doanh, có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với các sản phẩm chính bao gồm lúa gạo, rau, củ quả và chăn nuôi đại gia súc.
Xã Gia Phú có cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đảm bảo điều kiện và trình độ để ứng dụng CNTT, công nghệ số và các nền tảng số, mạng lưới internet ổn định, rộng khắp, tốc độ cao và nguồn nhân lực đảm bảo điều kiện, trình độ để ứng dụng CNTT, công nghệ số và các nền tảng thương mại điện tử; 100% cán bộ, công chức của xã sử dụng điện thoại thông minh, có sử dụng hộp thư điện tử công vụ để phục vụ cho công tác điều hành, chỉ đạo, chia sẻ thông tin và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn.
Xã có các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, ổn định, nhiều yếu tố khác biệt so với sản phẩm cùng loại, có sản lượng đáng kể và phù hợp để triển khai bán lẻ, vận chuyển tới thị trường toàn quốc.
Tính đến ngày 12/6/2023, xã Gia Phú có 2.475 hộ, 9.751 nhân khẩu, 7.468 người từ 14 tuổi trở lên. Hạ tầng viễn thông, internet được đảm bảo, thông tin di động và internet di động, có 3 nhà mạng gồm VNPT, Viettel, Mobifone; Internet cố định có 3 nhà mạng gồm VNPT, Viettel, FPT; 14/14 thôn có Tổ công nghệ số cộng đồng, với 120 thành viên tham gia.
Ông Hà Xuân Thêm, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Phú Xuân, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng chia sẻ: Nhận thức được chuyển đổi số là công nghệ số, cộng đồng số và kinh tế số, từ khi thành lập Tổ công nghệ số có thể triển khai các hoạt động của thôn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian bằng cách có thể thông báo, tuyên truyền trên mạng zalo, facebook,… Tổ có nhiều thành viên, mỗi thành viên tuyên truyền một lượt thì sẽ có rất nhiều người được biết, có hiệu quả cao.
Năm 2023, Xã Gia Phú được đánh giá là có nhiều điều kiện lợi thế để chuyển đổi số thành công từ hạ tầng đến chính quyền cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy còn một số khó khăn về phát triển kinh tế xã hội tại một số thôn, cũng như hạn chế về hạ tầng, ứng dụng CNTT, nhưng với quyết tâm của huyện, xã cùng Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã và sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xã Gia Phú sẽ chuyển đổi số thành công. Do đó, UBND huyện Bảo Thắng sẵn sàng bố trí nguồn lực và cam kết triển khai mô hình xã NTM thông minh trong dài hạn.
Với 50 chỉ tiêu chính và 85 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần được đề ra trong 4 mục tiêu chính về hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, sẽ được thực hiện thí điểm với mô hình chuyển đổi số tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 30/6/2025.
Hàng quý, Tổ công tác chuyển đổi số cấp xã thực hiện đánh giá kết quả thí điểm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung và nhân rộng các mục tiêu, nhiệm vụ thí điểm đến các xã khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các xã, thị trấn trong toàn huyện chủ động thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại kế hoạch đề ra, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ, xã hội hoá.
Việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã, xây dựng “xã nông thôn mới thông minh” trên địa bàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất, các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh từ xa… mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc này đã và đang thể hiện rõ tại xã Gia Phú khi quyết liệt triển khai chuyển đổi số tại xã, trong đó tập chung vào các hoạt động phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Cổng thông tin chuyển đổi số tỉnh Lào Cai